Thế nào là một đời sống trọn vẹn (“a life well-lived”)? Bây giờ tôi chưa rõ. Nhưng tôi đã biết từ lâu, cuộc sống mình muốn tránh: một sáng nọ, đứng trước gương mà thốt lên, “Sao thời gian trôi nhanh thế? Where has all the time gone?”
Giả sử Virginia Woolf nói đúng, rằng cuộc sống thường nhật đôi khi sẽ có “những phép màu nhỏ, những tia sáng, những que diêm bất ngờ lóe lên trong bóng tối” (To the Lighthouse). Tôi thật muốn hỏi bà: Mỗi người trung bình một ngày thấy bao nhiêu phép màu, bao nhiêu tia sáng, bao nhiêu que diêm quẹt lên? Một? Hai? Mười?
Bất kể Virginia Woolf trả lời sao, tôi cũng muốn nhân con số bà nói lên năm lần. Phải thấy thật nhiều phép màu. Chiêm ngưỡng thật nhiều tia sáng. Quẹt thật nhiều diêm. Loá mắt cũng được, bỏng tay cũng không sao. Bởi độ dài một cuộc đời không đo bằng năm tháng, mà đo bằng số các phép màu, tia sáng, que diêm.
Thấy nhiều phép màu, tức là sống lâu. (Kỳ thực, trong lòng tôi không chỉ muốn nhân năm lần thôi. Vì sao không được gấp mười lần cơ chứ? Nhưng lần đầu gặp Virginia Woolf, tôi dặn mình nên khiêm tốn một chút.)
Bản chất của phép màu, tia sáng, que diêm, lại chính là sự ngạc nhiên. Thử tưởng tượng, đang trong đêm tối, quẹt một que diêm, nhất định cảm xúc đầu tiên là ngạc nhiên về những thứ xung quanh mà mình bỗng được thấy. Tôi đang ở trong rừng, hay bên bờ biển? Tôi có bạn bè bên cạnh, hay trơ trọi một mình? Liệu tôi có đang đi trên con đường tôi muốn đi?
Lại nghĩ, trong mấy năm rồi, có vài việc khiến tôi thường xuyên phải ngạc nhiên. Trong đấy, nhất định phải kể tới chuyện tôi đi học võ, cụ thể là Brazilian Jiu-Jitsu (BJJ). Và thế là ngã vào hết ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác.
Trước nhất là ngạc nhiên về cơ thể mình. Hoá ra mình không tường tận cái chân cái cổ của mình đến thế. Chúng nó có thể vặn vẹo xoắn xuýt rất kỳ quặc. Ơ tụi mày làm được vậy à? Ơ chỉ thế thôi mà đã đau á? Tôi mới nghĩ, ừ thì Descartes có thể ngồi bên bếp lửa và tưởng tượng ra chủ nghĩa hoài nghi, với cái con quỷ nào đó đánh lừa giác quan loài người đấy. Nhưng ông cứ ngồi ngơ ngẩn bên bếp lửa mãi như thế, thì sẽ không tài nào biết được, cánh tay ông bẻ góc nào là đau nhất. Ông chỉ có thể biết, nếu ông chịu bước ra thảm tập, để người khác bẻ tay chơi. (Mà có khi ông không tập võ là hay. Có khi tập rồi, quá rõ ràng với đau đớn vật lý rồi, sợ ông lại chẳng còn muốn nói câu ‘Tôi suy nghĩ nên tôi tồn tại” nữa.)
Một điều lạ lùng đáng ngạc nhiên nữa, mà tôi thật tiếc ơi là tiếc rằng đã không sống cùng thời Descartes để kể ông nghe, là võ học rất gần với triết học. Bồ Đề Đạt Ma vừa sáng lập võ Thiếu Lâm vừa đắc chân tu, hay Miyamoto Musashi luyện kiếm, tạc tượng, viết sách, đấy là những việc hiển nhiên nhất trên đời. Những con người đấy đã giỏi võ như thế, chắc chắn sẽ nảy ra nhiều chiêm nghiệm về cuộc đời thôi. Chẳng có gì lạ cả.
Và cũng giống triết học, võ học cũng có nhiều câu chuyện mà khi nói ra, ta ngờ ngợ chúng ẩn chứa một bí mật nào đó. Ví dụ như chuyện BJJ khai sinh như thế nào chẳng hạn. Có một vị võ sư Judo nó từ Nhật Bản, nổi hứng đi chu du thế giới để tỉ thí anh hùng. Nửa đường ông dừng chân ở Brazil, gặp hai anh em có thiên bẩm, ông mới truyền võ cho họ trong một thời gian. Tới khi thầy ra đi rồi, hai anh em tập tiếp với nhau thì mới nhận ra vài điều. Một là, mình hơi nhỏ con, nhiều đòn vật Judo chẳng làm nổi. Hai là, hầu hết các môn võ trên đời, vốn chỉ lo đánh người ta ngã. Không mấy ai tự hỏi, khi đối thủ ngã xuống rồi, mình phải làm gì?
Câu chuyện ấy nói lên điều gì? Cơ duyên theo kiểu nhà Phật, hay “serendipity” theo kiểu kinh doanh Mỹ? Cái chết của người cha, theo lời Freud? Đấy là những bí mật của màn đêm, chờ một tia sáng nào đó vụt lên, để mình tỉnh ngộ.
Đương nhiên, có những tia sáng phát ra từ chính con người, những người học võ. Trong lớp học võ của tôi, có một cậu em, bề ngoài to cao lắm, nhưng khi tập thì rất ngại di chuyển. Thoắt nhìn qua, dễ đánh giá em lười vận động. Phải cho tới khi tôi nghe em kể chuyện, rằng cấp ba từng là vận động viên Taekwondo, trong đội tuyển Việt Nam tham dự SEA Games. Ấy thế mà ngay trước thềm giải đấu, em bị tai nạn, chấn thương đầu gối. Giấc mơ SEA Games chấm dứt, nghiệp võ cũng phải từ bỏ.
Giọng em kể rất thản nhiên, còn tôi thấy lạnh sống lưng. Nếu mình mà rơi vào hoàn cảnh ấy, sẽ phải sống qua ngày thế nào? Chẳng trách em tránh va chạm lúc tập BJJ cùng chúng tôi. Rồi em kể tiếp, cũng bằng cái giọng thản nhiên như thế: Vài năm sau, em chế ra một chất keo xịt tóc, thành công tới nỗi được một công ty hoá chất mua lại, rồi em cứ thế mà làm giàu nhờ tiền bản quyền.
Tôi nghe xong, chẳng biết phản ứng sao. Người ta đã bình thản như thế, mình còn cần thêm vào điều gì nữa? Tôi chỉ tự dưng nhớ lại vì sao ban đầu lại chọn học cái môn võ này. Chẳng là tôi nghe một bài video nọ, phỏng vấn Mark Zuckerberg, nghe Zuck kể rằng: BJJ dạy ảnh, trong mọi tình huống trong đời, đều có ít nhất một đòn phản công nào đó.
Ít nhất một đòn phản công.