2020 là năm căng thẳng nhất của Pencil Philosophy.
Sau ba năm làm chung, anh co-founder của Pencil Philosophy rời tổ chức, lại ngay giữa thời điểm tôi chuyển giao vị trí từ lãnh đạo trực tiếp sang cố vấn. Nhóm tiếp quản Pencil Philosophy năm ấy là bốn bạn lãnh đạo, người trẻ nhất học cấp ba, người lớn nhất cũng kém tôi hai tuổi. Trong bốn người, cũng chỉ một người đã từng làm Pencil.1 Tức là, khi sự việc xảy ra, mọi người đều hoảng hốt. Giờ nghĩ lại, tôi thấy tình cảnh của các bạn lãnh đạo này rất giống một đàn con ngơ ngác lúc bố mẹ cãi nhau: cứ tưởng gia đình êm ấm, nào ngờ đùng một cái tan đàn xẻ nghé.
Còn tôi khi ấy thấy rất áp lực, không hẳn vì anh co-founder nghỉ thì công việc tổ chức sẽ khó khăn hơn, mà vì cảm giác có lỗi với các bạn lãnh đạo này, cũng như các thành viên khác của ban tổ chức. Mình đã không tạo ra môi trường thuận lợi cho người ta thì thôi, lại còn chưa chi đã nổ ra khủng hoảng. Thêm nữa là lo lắng không biết ban tổ chức sẽ đón nhận tin ấy với tâm trạng thế nào. (Mãi sau này tôi mới hiểu ra, một cái bệnh của mình là dễ âu lo những người làm cùng mình không đối diện được với khủng hoảng.)
Năm ấy cũng là khi tôi hiểu, sự đời vận hành theo lối không mưa thì thôi, chứ đã mưa là phải ngập lụt sóng thần đại hồng thuỷ (“when it rains, it pours”). COVID lan sang Việt Nam ngay trước thềm lớp học, toàn bộ kế hoạch dạy học của Pencil Philosophy ở Hà Nội và Sài Gòn phải chuyển sang online. Không những thế, một nửa giảng viên Sài Gòn từ chối dạy online, làm chúng tôi cuống cuồng tìm phương án thay thế. Đấy là những vấn đề ngoại cảnh, còn vấn đề nội tại—xuất phát từ chính bản thân tôi—cũng be bét khỏi nói. Giờ nghĩ lại, tự gọi là cố vấn cho oai chứ hồi đấy tôi toàn chỉ các em nhỏ lao đầu vào ngõ cụt, đến lúc các em va vào tường u đầu chảy máu thì mình quay ra khiển trách. Giữa coronavirus và anh Long, thật chẳng biết thì bên nào gây áp lực lên các em nhỏ này hơn?
Thành thử, tôi không ngạc nhiên lắm, khi hết năm ấy, một trong bốn em lãnh đạo nhắn tôi: Anh ạ, năm sau em không làm nữa. Nhưng hơn nữa, anh có nghĩ, hay là Pencil Philosophy nên “take a break”, tạm nghỉ một năm để sau này quay lại tốt hơn? Lý do em ấy đưa ra là, có một năm nghỉ ngơi thì mình sẽ có thời gian để nhìn nhận và làm lại tốt hơn.
Tôi không nhớ cụ thể mình trả lời thế nào, nhưng ý của tôi thì rất rõ ràng: No, no, no, no, no. Không bao giờ có chuyện ấy. Không bao giờ có chuyện Pencil tạm nghỉ cả. Done.
Có lẽ đấy là điểm sáng hiếm hoi trong những quyết định của tôi ở Pencil năm ấy.
Vì sao tôi lại trả lời được ngay như vậy, tôi thật chẳng rõ. Có thể một lý do là, đầu óc tôi quá lậm tài chính, hay ngẫm nghĩ về cách vận hành của các tập đoàn lâu năm: Chẳng bao giờ tôi thấy Visa, Apple, Airbus “tạm nghỉ” cả. Từ ấy đơn giản không nằm trong từ điển của họ. Một sản phẩm có thể ngừng, một bộ phần có thể đem bán, nhưng công ty luôn phải tiếp tục. Cá nhân con người có thể tạm nghỉ (mà quả thật chính tôi cũng rất nghi ngờ ý tưởng này ở mức độ cá nhân), còn một tổ chức, đã tạm nghỉ thì khả năng rất cao, là sẽ nghỉ vĩnh viễn. Tạm nghỉ quá dễ đồng nghĩa với cái chết. Bởi sức ì là một sức mạnh khủng khiếp ở đời: đã cho phép bản thân dừng lại rồi, tới lúc muốn khởi động và tăng tốc trở lại, thật khó biết bao. Sao ta lại nên thử nghiệm một thứ rủi ro quá quá cao như vậy cơ chứ?
Với cụ thể trường hợp của Pencil, còn có nhiều lý do rất hiển nhiên khác: Giả sử một năm Pencil Philosophy tạm nghỉ, thì tức là năm sau nếu có muốn tiếp tục, thì cũng sẽ bị mất hẳn ban tổ chức cũ, lại còn không có lứa học viên mới để tuyển vào. Nghĩa là, tôi sẽ phải đi thuyết phục từng người, hãy tạm gác lại bất cứ công việc hay dự định nào họ đang có trong một năm qua, để quay lại với Pencil. Không phải việc ấy bất khả thi—tôi đã từng nghe những chuyện như thế xảy ra—nhưng tôi không quá tự tin bản thân sẽ may mắn như thế.
Một lý do cuối cùng khiến tôi chấp nhận nổi chuyện “tạm nghỉ”, là nghe từ ấy rất gần một lời nói dối. Vì mình không dám thừa nhận rằng mình đã nghỉ hẳn, bởi nghe “nghỉ hẳn” rất giống mình đã bỏ cuộc, đã đầu hàng, nên mình sẽ chọn một uyển ngữ để an ủi bản thân. Tạm nghỉ ấy mà. Chỉ tạm thôi. Một lúc nào đấy sẽ bắt đầu lại. Và cuộc đời sẽ đẹp lung linh hơn ngày xưa.
Những thứ dịu dàng êm tai như thế, thật chẳng khác tiếng hát của các nàng tiên cá trong Trường ca Odyssey. Chúng là thứ khiến ta lao đầu xuống biển.
Hiển nhiên có rất nhiều thứ dở hơi trong mô hình này.